Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn về bóng đá
Vừa rồi, tình cờ thấy ảnh ông cùng bà xã ở Thái Lan cổ vũ cho trận chung kết lượt đi Suzuki Cup trên một số blog. Ông tới sân vận động nhân dịp đi du lịch hay chủ đích đi xem bóng đá? Ông không e ngại, khi trước đó, ngay cả trận thắng Singapore, đội tuyển Việt Nam cũng chưa hoàn toàn thuyết phục khán giả?
Vừa rồi, tình cờ thấy ảnh ông cùng bà xã ở Thái Lan cổ vũ cho trận chung kết lượt đi Suzuki Cup trên một số blog. Ông tới sân vận động nhân dịp đi du lịch hay chủ đích đi xem bóng đá? Ông không e ngại, khi trước đó, ngay cả trận thắng Singapore, đội tuyển Việt Nam cũng chưa hoàn toàn thuyết phục khán giả?
– Tuy hòa Singapore 0 – 0 trên sân Mỹ Đình trong trận lượt đi, nhưng tuyển Việt Nam đá trên chân đội khách, nên đã kéo vài ngàn khán giả sang Singapore cổ vũ cho trận lượt về. Ngồi nhà xem truyền hình trực tiếp, tôi rất xúc động trước cảnh người và quốc kỳ Việt Nam rợp phần lớn khán đài trên đất Sing. Trận này, ta thắng 1 – 0, nhưng dưới cơ đội bạn.
Tôi nói với bà xã: Đá thế này, sẽ thua Thái Lan lượt đi ở Bangkok, cộng với tình hình an ninh bên Thái không tốt, do biểu tình kéo dài nhiều tháng, chắc chắn khán giả Việt Nam sẽ sang ít, mình phải đi để góp phần cho đội nhà bớt lẻ loi. Bà xã nóng theo, thế là đi… Đến sân vận động Bangkok đầy ắp 65.000 khán giả Thái sôi sục như biển lửa, trong khi “tuyển” khán giả Việt Nam lọt thỏm – chỉ chừng 400, lại ngồi hai khu vực xa nhau, mới thấy mình đi là đúng. Càng đúng hơn khi bất ngờ Việt Nam thắng Thái 2-1. Hai vợ chồng hí hửng như mình có công.
Cách đây khá lâu, trong một bài phỏng vấn, ông nói một câu: “Khi giữ được lửa trong lòng thì từ một người có thể thấy cả thế giới, nếu hết nhiệt tình, có đi khắp thế giới cũng không thấy được một người”. Có lẽ chính vì thế, ông nổi tiếng là một nhà văn ít rời nhà nhưng nguồn sáng tác vẫn rất phong phú. Chuyến đi Thái Lan vừa rồi có làm thay đổi chút nào suy nghĩ đó của ông?
– Thực ra, hồi trẻ, tôi đã có nhiều năm đi và sống ở nhiều nơi, nhưng bạn hỏi vậy, tôi xin nói, người biết đi thì ở nhà cũng có thể đi khắp thế giới, còn người không biết đi thì đi khắp thế giới cũng không hơn ở nhà.
Năm 1995, ông viết cuốn “Đấu trường vinh quang” dành cho thế hệ cầu thủ vàng trước đây của bóng đá Việt Nam. Được tiếp xúc với nhiều người trong cuộc, ở thời kỳ thông tin trên mạng chưa phát triển như ngày nay, ông có nhận xét gì về hai thế hệ cầu thủ đã thổi bùng những ngọn lửa cuồng nhiệt trong lòng người hâm mộ?
– Thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam những năm 1990, lương tháng từ 250.000 đến 500.000 đồng, thuộc thời bóng đá bao cấp, còn thế hệ vàng hiện nay, lương tháng 15 – 30 triệu đồng, thuộc thời bóng đá “chuyên nghiệp”.
Thế hệ vàng sau, với những Công Vinh, Dương Hồng Sơn, Như Thành, Tấn Tài, Tài Em… giành Cúp vô địch Đông Nam Á là trên cả tuyệt vời. Nhưng thế hệ vàng với những Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Mạnh Cường, Văn Sĩ Hùng… đã làm cho bóng đá Việt Nam từ vô danh (kể từ năm 1975) trở nên nổi danh trong khu vực Đông Nam Á cũng là bước tiến đáng kể, vì đối thủ của họ cùng là thế hệ vàng của bóng đá Đông Nam Á. Các đội tuyển: Thái Lan, Myanmar, Indonesia, Singapore, Malaysia hồi đó, đều là những đội ngang tầm các đội khá Châu Á.
Ông từng nói đến vấn đề bán độ như một trăn trở của những người hâm mộ bóng đá từ năm 1995. Ông nghĩ sao, khi đến năm 2005, trong SEA Games 23, bán độ mới trở thành tâm điểm đấu tranh gay gắt? Nếu quan tâm giải quyết những vấn đề đó sớm hơn thì “vàng” của bóng đá Việt Nam không phải chờ đến 10 năm như vừa rồi?
– Nếu chỉ nhìn bóng đá trong phạm vi bóng đá, một trò chơi thể thao, thì những chuyện tiêu cực, trong đó có bán độ, ở bất cứ thời điểm nào, không phải không khắc phục được và cũng không phải vì thế mà bóng đá mất đi phần hấp dẫn, lành mạnh truyền thống của nó. Nhưng thực tế, bóng đá (cũng như văn hóa văn nghệ) nước ta, luôn là hình ảnh của xã hội thu nhỏ, nên giải quyết các vấn đề tiêu cực, cũng như phát huy tính tích cực, đều không thể thoát ra ngoài hiện trạng xã hội. Vì vậy, 10 hay 20 năm trước, bóng đá Việt Nam có tuyệt đối trong sạch, cũng chưa chắc đã vô địch Đông Nam Á, còn hiện nay, bóng đá Việt Nam vô địch Đông Nam Á, thậm chí, sẽ vô địch thế giới, chưa chắc đã hết các thứ bệnh, kể cả bán độ.
Ông là tác giả của rất nhiều tiểu thuyết và kịch bản phim về những vấn đề nóng bỏng: “Đứng trước biển”, “Cù lao tràm”, rồi “Đồng tiền xương máu”, “Blouse trắng”, “Hướng nghiệp”, “Lưới trời”… Bóng đá rõ ràng là một đề tài rất đời, rất phong phú, ông có nghĩ tới một tác phẩm về đề tài này?
– Nếu có điều kiện, chắc chắn tôi sẽ viết một kịch bản phim truyền hình nhiều tập về bóng đá.
Đội tuyển Việt Nam lại vừa thắng giòn giã 3-1 trước Lebanon, ông có lời nào dành tặng những cầu thủ đang là niềm hy vọng cho tương lai bóng đá nước nhà?
– Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam chiến thắng! Đây là lời hô mà vợ chồng tôi cùng các cổ động viên Việt Nam có mặt ở Thái Lan dành cho họ trong trận thắng Thái 2-1, nay xin được lặp lại.
Xin cảm ơn ông!