Bác Quýnh!

Bác Quýnh mất đi là một tổn thất lớn cho bóng đá nước nhà, bởi cho đến nay Bác là người mang nhiều tri thức, hiểu biết nhất về con đường hình thành và phát triển bóng đá Việt Nam.

Bác Quýnh mất đi là một tổn thất lớn cho bóng đá nước nhà, bởi cho đến nay Bác là người mang nhiều tri thức, hiểu biết nhất về con đường hình thành và phát triển bóng đá Việt Nam.
 
Bác Ngô Xuân Quýnh

Tôi yêu thích và có thể nói đam mê bóng đá từ nhỏ, nhưng chỉ thực sự đến với ngôi nhà bóng đá từ ít năm nay, khi được đại diện cho tổ chức Thanh niên Việt Nam cơ cấu vào BCH Liên đoàn.

 
Ham mê bóng đá và tham gia quản lý hoạt động bóng đá, ai cũng hiểu là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau và lẽ dĩ nhiên là tôi gặp rất nhiều bỡ ngỡ. ~ trụ sở Liên đoàn bóng đá Việt Nam nhiệm kỳ IV, phòng làm việc của tôi (Ban Thông tin – Tuyên truyền) nằm cùng tầng và đối diện với phòng của bác Quýnh (Ban Bóng đá phong trào). Và thế là tôi bắt đầu phát hiện ra một con người, một tính cách, một tâm hồn.
 
Vâng, bằng vốn hiểu biết trong cuộc sống, không riêng gì về bóng đá, bằng sự cởi mở và không ít hóm hỉnh trong giao tiếp, bác Quýnh đã dần dẫn dắt tôi vào câu chuyện sân cỏ, đến với đời sống thực của môn thể thao vua này. Mỗi khi rảnh việc, Bác lại pha trà và gọi tôi sang hầu chuyện. Tôi tận dụng các cơ hội ấy để nhờ Bác giải đáp một số khúc mắc, hỏi ý kiến Bác để hoàn thành tốt hơn công tác truyền thông của Liên đoàn và nghe Bác kể chuyện. Bác thường bắt đầu từ những sự kiện bóng đá đang diễn ra đây đó khắp cả nước và nêu cảm nghĩ của mình. Thực tế bóng đá còn nhiều bất cập làm Bác tâm tư lắm. Là người lâu năm làm trưởng đoàn bóng đá, Bác kể cho tôi nghe cách quản lý quân của mình, cách dùng người và cả cách “điều trị” những con bệnh của mình. Câu chuyện Bác kể cho tôi thấy ở Bác một nhà sư phạm thể thao, một tính cách giàu chất nhân văn và bác ái. Bác hiểu cầu thủ của mình lắm. Với Bác, công việc đào tạo một vận động viên trở thành một cầu thủ giỏi là cả một chặng đường đầy cam go. Bác nói với tôi: “Các cháu (cầu thủ) còn trẻ lắm, không những mải chơi lại dễ sa vào những chuyện xấu. Các cháu có năng khiếu nếu không được kèm cặp cũng dễ trở thành kiêu binh, hỏng sớm một nhân tài. Nhưng tuổi đang lớn, tính tự ái cao lại hay bốc đồng, nếu mình không có cách uốn nắn hợp lý thì dễ gây phản ứng ngược, làm tổn hại danh dự, các cháu không nể phục. Vì vậy, rất cần gần gụi chúng nó, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, cảm thông với tâm sinh lý của trẻ. Có như vậy mình mới đồng cảm, các quyết sách của mình mới phù hợp, các cháu nể trọng, nhưng không sợ sệt, không phản ứng ngầm. Không thể làm một lúc một lát được, phải làm thường xuyên.” Phương châm của bác Quýnh rất rõ ràng: “Loại bỏ ngay từ trong trứng nước những biểu hiện, hành vi xấu, lấy đạo đức của bản thân người cán bộ làm cái gương cho bọn trẻ. Cả cuộc đời gắn bó với thể thao, tôi luôn tâm niệm như vậy, đó cũng là một cách để tự rèn luyện mình.” Bác Quýnh cho rằng người lớn thường hay nhìn nhận khuyết điểm của thanh niên một cách thiếu thông cảm, đôi khi trầm trọng hoá, thổi phồng, như vậy không những không giúp được thanh niên tiến bộ mà đôi khi còn đẩy chúng vào sự bất mãn, phản kháng.
 
Cách đây mấy năm khi Liên đoàn xử treo giò một số vận động viên trẻ, bác Quýnh buồn rầu tâm sự với tôi: “Cũng biết là phải làm như thế thôi, nhưng tiếc lắm. Làm trưởng đoàn Thể Công nhiều năm, tôi biết, để có được những cháu đá được như vậy không dễ đâu, nào là năng khiếu, phát hiện, bồi dưỡng, chăm bẵm. Đùng một cái: nghỉ đá! Buồn thật”. Những ngày qua, chuyện tiêu cực ở U23 rộ lên, Bác lại chính là người có cái nhìn vừa khoa học vừa nhân văn. Bác hỏi tôi khi tôi vừa ở Bacolod về: “Có thật là chúng nó vòi tiền rồi quậy không, Thầy giáo?” Tôi trả lời Bác là có chuyện hỏi tiền thưởng, nhưng tất cả anh em có mặt chỉ cảm thấy bực bội nhất ở thái độ và hành vi khi hỏi thôi, chúng nó có văn hoá nền thấp quá. Bác Quýnh sôi nổi: “Đúng, đúng lắm! Không có một kiến thức văn hoá nền vững chắc thì dễ hành xử bộc phát, sai lầm. Câu lạc bộ rồi cả Liên đoàn có biết không? Biết chứ, nhưng đã làm gì được nhiều chưa? Phải nói là chưa. Hồi còn làm lãnh đạo đoàn thể thao, tôi luôn chỉ đạo phải làm chặt, làm thường xuyên công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phải rèn từ chuyện nhỏ nhất như gập cái chăn, cái màn. Cháu nào sai phải nhắc nhở ngay, tái phạm thì xử lý. Xử lý ngay từ việc nhỏ sẽ tránh cho những việc sau này phải xử lý nghiêm trọng, tội cho cuộc đời của các cháu. Cắt ngay mầm xấu mà! Mình làm điều đó nếu không phải vì ghét các cháu mà xuất phát từ tình thương yêu thật sự thì bọn trẻ nó biết đấy, chịu án phạt mà không dám cãi lại, tâm phục khẩu phục. Phải hành xử nhân bản vì đó là những tâm hồn trẻ. Và rồi phải hướng các cháu đọc sách, đọc báo, học hỏi thêm nhiều nữa, nâng cao tri thức. Thử hỏi chúng ta ở câu lạc bộ, rồi ở đội tuyển đã làm được gì nhiều ở điểm này!? Đến khi các cháu mắc khuyết điểm, xử thì dễ lắm, nhưng nhìn lại trách nhiệm của người lớn không nhỏ chút nào, mà người lớn sẽ đổ cho nhau, chẳng ai chịu nhìn nhận trách nhiệm của mình trong đó. Thế làm sao gọi là người lớn được!” Câu chuyện của Bác cứ buồn buồn, tôi hiểu trong sâu thẳm con người ấy cũng đang dằn vặt lắm, ở tuổi ngoài 70 rồi, lực bất tòng tâm, thấy bọn trẻ sa ngã mà không làm được gì, thật đau lòng… Một nhân cách lớn của một người biết tự trọng, bác Quýnh – Chính uỷ của tôi.
 
Trọn đời gắn bó với trái bóng tròn…
 
Từ hôm qua, đồng nghiệp của tôi đã viết nhiều về “cây đại thụ” trong làng bóng đá Việt Nam. Thực sự bác Quýnh mất đi là một tổn thất lớn cho bóng đá nước nhà, bởi cho đến nay Bác là người mang nhiều tri thức, hiểu biết nhất về con đường hình thành và phát triển bóng đá Việt Nam. Tôi còn nhớ, đầu nhiệm kỳ IV, chính Bác là người trong cuộc họp giao ban đã đề nghị phải xây dựng đàng hoàng bộ sử về bóng đá Việt Nam, nếu không làm sớm thì rồi con người, sự kiện cứ mai một dần. Thế là Ban soạn thảo Đề cương lịch sử bóng đá Việt Nam đã có quyết định thành lập, gồm bác Quýnh làm Trưởng ban, nhà sử học Dương Trung Quốc và tôi (với trách nhiệm là Trưởng Ban Thông tin – Tuyên truyền) làm uỷ viên. Tại quán Bí Đỏ phố Lữ Gia, bác Quýnh đã chủ trì cuộc họp và từ đó Đề cương lịch sử bóng đá Việt Nam đã hình thành. Thời gian qua, ai theo dõi báo chí thể thao cũng nhận thấy rõ nỗ lực của bác Quýnh trong các bài viết liên tục về những gương mặt, những sự kiện của bóng đá Việt Nam một thế kỷ qua. Bác đã làm được rất nhiều, và có thể nói là người duy nhất miệt mài với trang sử bóng đá Việt Nam.
 
Hôm nay, bác Quýnh đã đi rồi, mang theo cả kho tàng những hiểu biết về bóng đá Việt Nam. Sẽ có rất nhiều điều không còn cơ hội được mọi người biết đến nữa, vĩnh viễn bị lãng trôi! Đúng là khi vật báu còn đó thì ta không coi trọng đúng mực (từ sau nhiệm kỳ IV, bác Quýnh không còn được quan tâm giao trách nhiệm gì nữa ở Liên đoàn), đến khi người về nơi thiên cổ ta mới thấy khoảng trống vắng vô bờ.
 
Đứng khóc bên linh cữu bác Quýnh, tôi tự hứa sẽ cùng đồng nghiệp gom nhặt những gì Bác đã để lại để có một hôm nào đó cuốn Lịch sử bóng đá Việt Nam ra mắt bạn đọc, như một nén nhang của người hâm mộ gửi tới Bác nơi chín suối…
 
Nguyễn Lân Trung
Trưởng Ban biên tập Website
Liên đoàn bóng đá Việt Nam